Lấp lánh một chữ tình

Ít ai biết câu chuyện của những người thầy bao lần rơi nước mắt vì bất lực nhìn học sinh phải bỏ học bởi gánh nặng mưu sinh. Ít ai thấy những học viên vừa tan ca mồ hôi trên lưng áo còn chưa ráo nuốt vội ổ bánh mì để kịp đến lớp.
Chuyện dạy và học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX), một nơi được quan niệm là “học để có bằng”, nơi học viên gấp đôi tuổi cô giáo nhưng vẫn gọi “thưa cô”, nơi những ai đã trót gắn bó sẽ rất khó dứt khỏi ánh mắt học trò để ra đi…
Vừa dạy, vừa dỗ
“Cô ơi, em nghỉ học lâu lắm rồi nên không nhớ gì hết cô ạ. Muốn học mà chữ nó không vào trong đầu, em buồn lắm…”. Mảnh giấy viết vội rồi gấp làm tư của một học viên dúi vào tay cô giáo Nguyễn Thị Thúy Nhài – TTGDTX Q.7, TP.HCM – khi vừa hết giờ kiểm tra làm cô giáo trẻ cay cay sống mũi.
Năm năm làm chủ nhiệm các lớp 12 của trung tâm đã không ít lần cô nhận được những lá thư với nét chữ nguệch ngoạc của học trò thở than chuyện học, chuyện miếng cơm manh áo, chuyện “biết vậy ngày xưa em lo học đàng hoàng”. Có đêm điện thoại của cô giáo chủ nhiệm reo váng vất. Học trò bùi ngùi trong máy: “Ba má em không hòa thuận nên em từ quê vào thành phố giúp cô chú làm việc nhà. Ở đây những lúc buồn không biết tâm sự với ai. Nhìn bạn bè em thèm học giỏi lắm nhưng học không nổi. Em không biết phải làm sao?”.
Ông HỒ QUỐC ÁNH (phó phòng giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT TP.HCM):
“Nếu ở phổ thông dạy 1 thì tại TTGDTX phải dạy 2-3. Những giáo viên dạy TTGDTX thường vì tấm lòng và trách nhiệm là chính. Sở cũng hướng dẫn giáo viên linh động với đối tượng học viên, tăng thời lượng một số môn, thay đổi cách dạy, bám lấy từng học viên để nâng cao chất lượng dạy học. Mặc dù vậy giáo viên vẫn còn vấp phải nhiều khó khăn như cơ sở vật chất chưa đáp ứng đủ, đồng lương thấp, trình độ học viên phần đông là yếu”.
Cô Nhài tâm sự: “Đa số em thiếu thốn tình cảm hoặc hoàn cảnh rất khó khăn. Ban đầu phải thông qua học trò này để hỏi chuyện học trò kia, nắm hoàn cảnh của các em để dễ gần gũi, động viên các em không bỏ học. Buồn nhất là nhiều em nghỉ học mà mình không biết tìm ở đâu để giúp em đến lớp, bởi em đã chuyển chỗ trọ hoặc cho nhà trường địa chỉ ma”. Đã hơn một lần cô giáo trẻ này phải ứng tiền lương để đóng học phí cho học trò khi không cam lòng nhìn cảnh không có tiền phải nghỉ học.
Còn với cô giáo Phan Thị Bích Thủy – giáo viên toán kiêm trợ lý thanh niên TTGDTX Bình Thạnh – niềm vui là khi khoảng cách giữa cô – trò ngắn lại, là khi những đứa học trò trông có vẻ ngổ ngáo chịu gọi giáo viên là “u”, là “má” xưng “con”. Phương pháp tiếp cận học viên của cô Thủy là “trở thành bạn của học trò, thỏa thuận, giao kèo với nhau về những quy tắc học ra học, chơi ra chơi”.
Cô Thủy tâm sự: “Thương thì thương nhưng các giáo viên ở đây luôn dặn nhau phải cứng rắn để uốn nắn những học viên có thái độ sống không đúng mực”.
Ở lại vì một niềm tin
Bị đuổi học vì lưu ban hai năm, lý do mà Trần Quốc Vương trình bày với ban giám hiệu trường cũ là… “em không muốn học”. Từng quậy có tiếng, vậy mà sau năm năm coi TTGDTX Bình Thạnh là nhà, Vương đã tiến bộ cả về tác phong và lực học.
Vương kể: “Ở đây không ai coi em là học sinh cá biệt, thầy cô rất gần gũi và hiểu tâm sự của học trò”. Vậy nên dù đã tốt nghiệp, tuần nào Vương cũng ghé thăm các thầy cô sau khi tan ca làm thêm. Cậu thanh niên có mái tóc nhuộm vàng và phong cách ăn mặc khá sành điệu này tâm sự: “Em đang ôn thi vào Đại học Kiến trúc. Ngày em đi bán hàng, tối phụ việc để có tiền đi học. Cũng nhờ các thầy cô ở trung tâm giúp em thoát khỏi thời lông bông, có trách nhiệm với gia đình và bản thân hơn”.
Những học trò như Vương thật sự là niềm phấn khởi của những giáo viên dạy TTGDTX, nơi mà theo tâm sự của nhiều người là “nếu không có tâm thì rất dễ ra đi”.
Thầy Dương Phúc Hậu, phó giám đốc TTGDTX Q.4, TP.HCM, tâm sự: “Học viên vốn đã yếu, nếu có giáo viên giỏi và nhiệt huyết sẽ cải thiện được ít nhiều. Số ít giáo viên chịu ở lại đều là quá thương học trò và vì một niềm tin sẽ thay đổi được chút nào đường đời của các em…”.
Có lẽ cũng vì niềm tin ấy mà ông giáo già Hoàng Đức Huy ở Q.4, TP.HCM dù đã nghỉ hưu vẫn tiếp tục dạy hợp đồng, vẫn tỉ mẩn soạn những bộ giáo án và tài liệu chuyên đề để cải thiện tình hình học tập của học viên. Hay thầy Phú Ngọc Hùng, phó giám đốc TTGDTX Q.7, TP.HCM, tuần nào cũng chăm chỉ photo những bản án mà đối tượng là tuổi vị thành niên dán lên tường để học viên đọc và suy ngẫm, đưa học viên đi xem các phiên tòa xử lưu động để học viên nắm thêm về luật.
Đó là lời tâm sự tận đáy lòng của cô giáo Thúy Nhài ở Bình Thạnh: “Dạy bổ túc văn hóa, tôi gặp những mảnh đời khiếm khuyết cả về cuộc sống lẫn tâm hồn. Nhưng tôi nhận ra không phải họ đến đây chỉ vì tấm bằng tốt nghiệp mà còn vì một điều lớn lao và mạnh mẽ hơn, đó là niềm tin vào tương lai. Niềm tin ấy cũng giúp những giáo viên như tôi quyết tâm gắn bó với nơi này”.
カフェべトナム

ベトナムについてはコチラヘ↑

コメント

タイトルとURLをコピーしました