Bộ trưởng Tài chính: ‘Tôi không giấu số liệu nợ quốc gia’

Vị bộ trưởng dày dạn kinh nghiệm đăng đàn chợt buột miệng nói như vậy trong phiên chất vấn tại Quốc hội sáng nay, khi đại biểu xoáy sâu vào câu chuyện nợ quốc gia và khả năng bố trí ngân sách cho các dự án trọng điểm.
Câu chuyện nợ công và thu chi ngân sách đang là tâm điểm bàn luận trong cũng như ngoài Quốc hội. Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã giải trình chi tiết vấn đề này trong buổi báo cáo về ngân sách đầu kỳ họp. Ông cũng không ít lần giãi bày điều này với đại biểu và báo chí ngoài hành lang Quốc hội. Trước phiên chất vấn sáng nay, ông đã có văn bản trả lời các đại biểu, tuy nhiên vấn đề nợ nần lại được xới lên.
Nợ Chính phủ những năm trước khủng hoảng chỉ ở mức dưới 35% GDP, nay đang tăng nhanh và có khả năng tiến đến mốc 45% vào cuối năm nay. Tuy nhiên, điều mà các đại biểu lo lắng chính là liệu nợ công của Việt Nam đã tính đúng, tính đủ hay chưa. Một số tổ chức quốc tế gần đây cho biết nợ công của Việt Nam hiện lên đến 47%, thậm chí trên 50% GDP. Cũng có chuyên gia cho rằng Việt Nam chưa tính hết các khoản vay nợ công.
“Bộ trưởng cho rằng nợ vẫn trong tầm kiểm soát. Nhưng nợ công không chỉ có phần nợ của Chính phủ, mà còn nhiều khoản khác như nợ bảo lãnh cho doanh nghiệp, nợ của các chính quyền địa phương. Đề nghị bộ trưởng cho biết con số thực về nợ công. Đừng để nhân dân quá lo lắng khi mà chúng ta có thể phải vay thêm để đầu tư cho dự án đường sắt cao tốc”, đại biểu Ngô Văn Minh nói.
Câu hỏi không mới và cũng không quá hóc búa, Bộ trưởng Ninh rành rọt khẳng định việc đưa ra khái niệm nợ quốc gia và chính phủ như hiện nay là hoàn toàn chính xác. Ông dẫn chiếu các số liệu chi tiết cho thấy số nợ chiếm 41,9% GDP hiện nay đã bao gồm nợ của Chính phủ, của trung ương, của địa phương và nợ bảo lãnh cho doanh nghiệp. Ông còn công bố cả cơ cấu nợ nước ngoài để cho thấy điều hành nợ đang trong tầm kiểm soát và an toàn. Ngay cả khi triển khai dự án đường sắt cao tốc với mức vay nợ trung bình 1,6-2 tỷ USD một năm, dư nợ quốc gia nói chung cũng chỉ tăng thêm 3%.
“Tôi, với tư cách Bộ trưởng Tài chính, không giấu cái này làm gì. Bởi giấu thì sau này nhỡ vỡ nợ, tôi chịu trách nhiệm đầu tiên”, ông Ninh nói.
Ông vẫn giữ cách trả lời như vậy khi có đại biểu truy trách nhiệm bộ trưởng vì để bội chi cao cho dù thu vượt rất lớn so với dự toán. “Đã đi vay là ngại, là lo. Là Bộ trưởng Tài chính, tôi thấy bội chi càng ít càng tốt, vay càng ít càng tốt. Nhưng chúng ta đang cần đầu tư phát triển. Nếu dừng dự án, không đầu tư nữa thì bội chi sẽ giảm xuống ngay”, ông nói.
Quản lý giá các mặt hàng thiết yếu điện, than, xăng dầu, phân bón, thuốc chữa bệnh cũng là câu chuyện được nhiều đại biểu quan tâm.
“20 ngày đầu tháng 5, giá dầu thế giới giảm từ 82 USD xuống còn 69 USD một thùng vậy mà giá trong nước mãi tới cuối tháng 5 mới giảm. Tại sao tăng thì nhanh mà giảm lâu đến vậy. Mặt hàng thuốc cũng vậy, bị làm giá một cách nhẫn tâm, giá bán cao gấp 4-5 lần giá thành”, ông Danh Út, Trưởng đoàn đại biểu Kiên Giang, chất vấn.
Câu hỏi của đại biểu Danh Út về vấn đề quản lý giá cả các mặt hàng thiết yếu cũng đã được trả lời bằng văn bản. Tuy nhiên, do chưa hài lòng, sáng nay ông đứng lên hỏi lại. Ông Út còn đưa ra nhiều số liệu chi tiết khác để nói về tình trạng doanh nghiệp làm giá, khiến người tiêu dùng đặc biệt là nông dân thiệt thòi. Đáng chú ý là tình trạng các doanh nghiệp thuộc diện phải đăng ký niêm yết giá nhưng không thực hiện đúng trách nhiệm. Mức phạt đối với những doanh nghiệp vi phạm rất thấp, chỉ vài chục triệu đồng trong khi lợi nhuận của họ lên tới hàng chục, hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỷ đồng.
“Chúng tôi luôn đứng về lợi ích của người tiêu dùng, chứ không bao che hay chỉ đứng về phía doanh nghiệp”, Bộ trưởng Ninh trần tình về câu chuyện giá xăng tăng nhanh mà giảm lâu.
Trong hai tháng đầu năm, giá xăng trong nước tăng hai lần liên tiếp, sau đó dừng lại và đến tháng 5-6 bắt đầu điều chỉnh giảm. Ông Ninh dẫn giải nhiều số liệu cho thấy với đà tăng giá thế giới những tháng đầu năm, lẽ ra giá trong nước còn phải tăng cao hơn và nhiều hơn. Đến khi giá thế giới giảm, trong nước chưa thể giảm ngay vì doanh nghiệp chưa hết lỗ, và vì phải bù đắp phần ngân sách đã chi ra để bù lỗ cho doanh nghiệp trước đó.
“Qua kiểm tra chúng tôi thấy doanh nghiệp thực hiện rất nghiêm”, Bộ trưởng Ninh tuyên bố. Ông cho biết thêm, giá trong nước sau hai lần giảm trong tháng 5-6, hiện thấp hơn các nước trong khu vực 2.000-8.000 đồng một lít, nếu không kiểm soát tốt nguy cơ buôn lậu sẽ gia tăng.
Giải thích của người đứng đầu ngành tài chính dù rất dài nhưng chưa khiến các đại biểu hài lòng. Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng hệ thống phân phối xăng dầu hiện nay có vấn đề, doanh nghiệp chưa mạnh dạn sử dụng các nghiệp vụ thị trường nên cứ trút rủi ro về giá cho người tiêu dùng gánh chịu. Còn đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đặt vấn đề việc tăng giảm giá thời gian qua không phải do chủ động của doanh nghiệp mà có thể xuất phát từ sức ép dư luận.
Phiên chất vấn sáng nay mất khá nhiều thời gian cho việc giải đáp câu chuyện lương thưởng ở siêu tổng công ty SCIC, nơi Bộ trưởng Tài chính đang kiêm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị. Cuối năm ngoái, Kiểm toán Nhà nước công bố SCIC đã chi trả lương thưởng cho lãnh đạo vượt quy định. Trong khi đó, một đơn vị do SCIC làm đại diện vốn nhà nước là hãng hàng không Jetstar Pacific lại làm ăn thua lỗ. Trong ban lãnh đạo SCIC có một số đại diện đến từ Bộ Tài chính và các bộ ngành có liên quan. Bộ Tài chính sau đó đã phải công khai các mức thu nhập của lãnh đạo SCIC. Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát lại thu nhập của lãnh đạo siêu tổng công ty. Nguyên tổng giám đốc Jetstar Pacific đã bị bắt để điều tra hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Giải trình của Bộ trưởng Ninh sáng nay cũng không mới, một mặt thừa nhận khiếm khuyết trong quản lý do SCIC là doanh nghiệp đặc thù và rất mới, một mặt khẳng định lương của lãnh đạo không cao như kết quả kiểm toán vì đã bị tính gộp cả thưởng, phụ cấp và thu nhập ngoài giờ.
14 lượt đại biểu đã đứng lên đặt câu hỏi tại phiên chất vấn sáng nay. Với kinh nghiệm nhiều lần đăng đàn trước Quốc hội, ông Ninh điềm đạm trả lời kể cả khi đại biểu tỏ ra khá gay gắt. Phần giải trình của ông cặn kẽ và dài dòng đến nỗi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhiều lần cắt ngang, nhắc nhở cần nói gọn, khái quát và đi thẳng vào vấn đề.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hài lòng với lượng thông tin mà bộ trưởng đưa ra. Ông đã khiến đại biểu Ngô Văn Minh ngồi dưới hội trường lắc đầu thất vọng khi giải thích tại sao tăng thu vượt dự toán nhiều như vậy. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết thì “thảng thốt” khi thấy bộ trưởng phân vân không biết có nên kết luận việc khai sai mã số thuế với xe tải van nhập khẩu để hưởng thuế thập có phải là hành vi trốn thuế hay không.
Bộ trưởng Tài chính là thành viên Chính phủ đầu tiên mở màn cho đợt chất vấn tại Quốc hội kéo dài từ hôm nay đến hết buổi sáng thứ bảy, 12/6. Các bộ trưởng Y Tế, Công Thương và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước không có lịch đăng đàn kỳ này, song sáng nay cũng tham gia trả lời khi có các câu hỏi liên quan. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa trở về từ Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ tại Kiên Giang đã kịp có mặt tham dự phiên chất vấn sáng nay.
Song Linh
カフェべトナム

ベトナムについてはコチラヘ↑

コメント

タイトルとURLをコピーしました