Liên kết du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, vấn đề ở đâu?

Trong số báo trước, tác giả Nguyễn Chính Tâm đã đặt vấn đề về liên kết vùng, từ lý thuyết đến thực tiễn Việt Nam. Bài viết kỳ này, tác giả đi sâu vào giải quyết bài toán liên kết một cách cụ thể tại một vùng trọng điểm kinh tế.
Có người nói rằng Đồng bằng sông Cửu Long cơ cấu ngành nghề nhỏ lẻ, truyền thống tư duy tiểu nông, mạnh ai nấy làm, trong khi đó công nghiệp hóa cần sức mạnh quy mô, dịch vụ hóa cần sức mạnh thông tin và tri thức. Hai yếu tố này chỉ có thể lan tỏa trong môi trường “phẳng”, không gồ ghề. Nói như kinh tế học, hiệu năng tăng, khi phí giao dịch giảm. Mà phí giao dịch trong trường hợp này có thể nhìn qua nhiều lăng kính.
Thứ nhất là giữa người bán và người mua. Đối với một ngành mang tính dịch vụ cao như du lịch, ngày nay cầu nối giữa khách hàng và sản phẩm đã nâng lên một tầng cấp mới. Trên hết, nó đã vượt xa phương thức “tự cung, tự cấp” hay trao đổi sản phẩm trong quy mô cộng đồng cùng những nhóm người tương đồng. Cộng đồng ở đây, nếu có, tồn tại dưới hình thức khác, trong đó yếu tố trung gian giữ vai trò thiết yếu. Truyền thông, Internet, quảng cáo… là những cây cầu.
Thông thường, con người hành động theo tín hiệu của số đông. Thị hiếu số đông lại có xu hướng xoay xung quanh những gì mang tính chất khác thường: lớn nhất, đẹp nhất, đặc biệt nhất… Vì vậy, xây dựng một sản phẩm du lịch là bài toán làm sao truyền tải thương hiệu, gợi lên hình ảnh, tạo được sự “tò mò” cho nhiều người nhất như có thể.
Nhỏ lẻ và manh mún thì người bán, người mua cũng thông qua nhau bằng con đường manh mún và nhỏ lẻ. Hình ảnh gợi lên sẽ là những mảnh cắt rời nhưng không riêng biệt, hoặc một bức tranh căn nhà đầy đủ bàn, ghế, tủ giường, nhưng thông thường có thể bắt gặp ở bất kỳ nơi đâu. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là một kịch bản không sáng sủa cho du lịch vùng đồng bằng.
Thứ hai, là vấn đề giữa hai người cung cấp. Cùng sản phẩm nên cạnh tranh cao. Cùng thắng (win-win) khi phân chia đối tượng khách hàng hợp lý, thậm chí kết hợp để ra sản phẩm cuối cùng. Tuy vậy, thực tế lại miêu tả một bức tranh khác. Báo chí đưa tin, trong thời gian gần đây, nhiều tỉnh ĐBSCL dự thảo nhiều dự án du lịch khá hấp dẫn. Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng lại ở dạng tiềm năng, còn cái hiện có thì “giẫm chân lên nhau”.
Đầu tiên là “giẫm nhau” về sản phẩm. Địa phương nào cũng vườn trái cây, chèo xuồng, thức ăn đồng quê, nghe đờn ca tài tử… Tất cả loại hình này đúng là đặc sản của miệt vườn Nam bộ, nhưng địa phương nào cũng “rập khuôn” một kiểu thì quả là không ổn! Sự không ổn này đọc được qua những con số thống kê: khách du lịch mỗi năm mỗi tăng, tỷ lệ khách du lịch đến rồi quay trở lại lần thứ hai, thứ ba lại rất ít.
Khảo sát của ngành du lịch tỉnh Tiền Giang cho biết, trong hơn nửa triệu du khách đến tham quan du lịch hằng năm chỉ có 2,1% khách lưu trú, còn lại sáng đến Mỹ Tho chiều về TP.HCM. Rõ ràng ĐBSCL chưa định hình được một mô hình du lịch kiểu “Con đường di sản miền Trung” chạy dài từ Huế, qua Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, đến Phan Thiết với những hạt nhân chủ đạo làm điểm nhấn như cố đô Huế, thánh địa Mỹ Sơn, hay đô thị cổ Hội An. Từ đó tạo nên hiệu ứng lan tỏa những ngành nghề phụ trợ khác.
Trong khi đó, ĐBSCL không thiếu những nơi có thể tạo ra “lợi thế so sánh” riêng biệt. Chợ nổi Cái Bè, Cái Răng, bến Ninh Kiều, du lịch sinh thái vườn quốc gia U Minh; văn hóa lễ hội cộng đồng Khmer, hay khu vực biển đảo Hà Tiên, Phú Quốc… là những thí dụ.
Vì cung cấp cùng một sản phẩm, không liên kết hiệu quả, dẫn đến hiện tượng “đèn nhà ai nấy sáng”. Nhìn trên tổng thể, có thể gọi đây là sự “giẫm nhau” về mặt tư duy, khi mỗi tỉnh chỉ chăm chăm chú ý vào các dự án địa phương mình. Một mặt, nó không tạo ra thế mạnh thương hiệu do quy mô còn nhỏ của từng vùng. Mặt khác, lối tư duy này sẽ làm giảm cơ hội mở ra những tiếp cận mới về phương diện chính sách.
Chẳng hạn như chuyện đường sá. Từ trước đến nay, một trong những trở ngại lớn nhất cho phát triển ĐBSCL là sự bất cập trong hệ thống giao thông. Từ TP.HCM xuống các tỉnh ĐBSCL đường bộ chỉ có một tuyến đường độc đạo là quốc lộ 1A, thường xuyên kẹt xe, kẹt phà. Đường thủy không ổn định, còn hàng không thì vẫn trong giai đoạn thử nghiệm và xây dựng.
Thử hình dung nếu một mô hình như “Con đường di sản ĐBSCL” hướng theo chiều dọc được hình thành thì vấn đề lớn nhất của nó sẽ là sự trở ngại khi di chuyển từ địa danh này sang địa danh khác. Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng nếu thử đặt lên bàn cân giữa 20 phút từ Đà Nẵng đến Hội An, hai tiếng đồng hồ từ Hội An ra Huế, chúng ta sẽ cảm nhận được gần 3-4 tiếng đồng hồ ngồi xe, lội phà từ TP.HCM để thăm được miệt vườn miền Nam, nói như lời các du khách, là “mất sức quá”!
Ngoài giao thông, thì thiếu hụt nguồn nhân lực cũng là một chuyện dài nhiều tập. Báo giới trích số liệu của Hiệp hội Du lịch Việt Nam năm 2008: trong số 250 ngàn lao động trực tiếp trong ngành du lịch ĐBSCL có đến một nửa không có nghiệp vụ về du lịch; thậm chí có đến 35% lao động chưa có bằng trung học phổ thông, trong một triệu người tham gia hoạt động du lịch thì có tới 58% không được đào tạo và chỉ có 15% được đào tạo qua các lớp trung, sơ cấp (TBKTSG, 31-8-2008).
Rõ ràng, hai vấn đề trên đang là “nút cổ chai” quan trọng cần tháo gỡ để phát triển ngành du lịch. Xu thế liên kết, vì thế, không chỉ mang nhiệm vụ định hình lại “lợi thế so sánh”, mà còn hướng tới một sức mạnh chung phát triển những sản phẩm mang đặc tính của hàng hóa công (public goods) cho cả vùng như hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, giáo dục,… Và chỉ khi “đồng thanh, đồng khí” mới có thể tạo ra một tiếng nói nhất định về chính sách.
Như vậy, vấn đề tâm lý cần phải được vượt qua. Đầu tiên và trên hết là thông qua kênh chính sách. Chẳng hạn, có ý kiến đề xuất cần có một “cơ chế điều phối cấp vùng” với thành viên là lãnh đạo địa phương, cộng với một số đại diện các bộ ngành liên quan. Cơ chế này có nhiệm vụ điều phối các hoạt động khác nhau trong công tác đầu tư, quỹ tài chính, quy hoạch, cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn lực, xây dựng thương hiệu…
GS Michael Porter trong lần sang thăm Việt Nam, cũng có sáng kiến thành lập Viện Năng lực Cạnh tranh Việt Nam với một trong những chức năng là kết hợp cạnh tranh với hợp tác giữa các vùng miền. Liên kết ý tưởng của các chuyên gia du lịch, có thể chia vùng ĐBSCL thành ba tiểu ban đối xứng với ba cụm chính: Cụm Du lịch tả ngạn sông Tiền (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp); Cụm Du lịch hữu ngạn sông Tiền và sông Hậu (Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau); Cụm Du lịch An Giang – Kiên Giang.
Các tiểu ban này sẽ hoạt động dưới sự điều phối của một ủy ban cấp vùng cho toàn bộ khu vực ĐBSCL. Để tránh sự chồng chéo, “giẫm” lên nhau, ủy ban này sẽ không đóng vai trò của cơ quan hành pháp, cũng không tập trung vào thực hiện một chính sách cụ thể. Nhiệm vụ chính của ủy ban là điều phối và liên kết. Thứ nhất qua thu thập, xây dựng mạng lưới thông tin. Thứ hai, qua kết hợp tổ chức, hỗ trợ hội thảo, hoạt động du lịch tạo một cơ chế chính thức, cũng như bán chính thức cho đối thoại du lịch vùng giữa các địa phương.
Ngoài ra, đây cũng sẽ là một địa chỉ cung cấp thông tin, tiếp nhận ý tưởng, phác họa những dự án với các công ty, hội đoàn hay cá nhân cùng chia sẻ mối quan tâm. Trong tầm nhìn trung hạn, ủy ban cần phối hợp với các cơ quan chức năng khác đặt trọng tâm vào vấn đề cải thiện hệ thống giao thông, phát triển nguồn nhân lực cũng như xây dựng thương hiệu du lịch cho khu vực. Đây là việc làm dài hơi, nhưng luôn luôn phải đặt ra trong mỗi lần thảo luận, để tạo viên gạch lót đường tương lai.
Làm sao liên kết và vượt qua những vấn đề trì níu du lịch ĐBSCL? Bài toán khó, nhưng có lời giải. Điều cần thiết là một bắt đầu, ngay trong hành động lẫn trong tư duy!
カフェべトナム

ベトナムについてはコチラヘ↑

コメント

タイトルとURLをコピーしました